-->

Thư viện hình ảnh

Bánh mì quan tài - món ăn đường phố độc đáo của Đài Loan

Món ăn có hình dáng giống chiếc quan tài với một lát bánh mì nướng giòn dày khoảng 5 cm, khoét rỗng ở giữa và có nắp đậy phía trên.


Trước đây, khi Đài Bắc chưa phải là thủ phủ của Đài Loan thì thành phố phía nam - Đài Nam được coi là trung tâm hành chính, chính trị và kinh tế của quốc đảo này. Người dân đổ về đây làm ăn khiến thành phố ngày càng phồn thịnh. Chính nhờ thế mà Đài Nam có một sự đa dạng vượt trội về văn hóa, đặc biệt là ẩm thực. Rất nhiều món ăn trở thành đặc sản hấp dẫn du khách như mì om nước sốt thịt, mì hầm thịt vịt, hàu chiên áp chảo và đặc biệt là món bánh mì quan tài độc đáo. 


Bánh mì quan tài ra đời năm 1940 do một đầu bếp tên Hsu sáng tạo. Ban đầu, ông gọi món bánh này là “Shakaliba”, theo phiên âm tiếng Nhật là “trung tâm vui chơi giải trí” bởi Đài Nam luôn là nơi được người dân tìm đến để thư giãn và tụ tập. 


Tuy nhiên, do hình dạng bánh mì khá giống chiếc quan tài nên sau nó đã được đổi tên thành “Gua Cai Ban”, theo tiếng Đài Loan là “chiếc quan tài”. Với tên gọi khác lạ cùng hương vị độc đáo, món ăn nhanh chóng lan rộng trên khắp Đài Loan, đặc biệt là khu vực chợ đêm. Sau này nhiều người từng thay đổi cách gọi món bánh nhưng cái tên “quan tài” đã ăn sâu vào tâm trí thực khách nên nó lại quay lại với tên gọi ban đầu. 


Bánh mì quan tài truyền thống thực chất là một lát bánh mì nướng giòn có độ dày khoảng 3-5 cm, được khoét rỗng ở giữa và có nắp đậy phía trên. Nhân bên trong là hỗn hợp của khoai tây, cà rốt thái hạt lựu, đậu xanh, gan lợn, thịt, tôm và một số loại rau hương liệu khác, tạo thành hỗn hợp sánh mịn với hương vị khó cưỡng. Ảnh: Lataco.


Ngày nay, để thực khách có thêm sự lựa chọn, nhiều loại nhân mới đã ra đời như sốt thịt bò và nấm, hải sản giúp cho món ăn ngày càng trở nên phong phú hơn. Một số người thậm chí còn biến bánh mì quan tài thành phiên bản Hawaii với thịt hun khói, hành và dứa. Ngoài ra, du khách hảo ngọt có thể lựa chọn cho mình bánh mì quan tài phiên bản ngọt ngào với sự kết hợp của các loại trái cây như chuối, dâu, xoài, đào... 


Bành mì quan tài luôn nằm trong danh sách món ăn đường phố nổi tiếng và được ưa thích nhất tại Đài Loan. Du khách có thể tìm thấy ở mọi nơi trên khắp đất nước, từ nhà hàng sang trọng cho tới các quán bình dân. Tuy nhiên, lựa chọn chợ đêm là nơi dừng chân sẽ đem đến trải nghiệm thú vị hơn

Ẩm thực tại phố cổ Đàm Thủy

Đến khu phố cổ Đạm Thủy, bạn chắc chắn sẽ mê mệt từ món đậu hũ nhồi miến đến nước ô mai chua hay phần ăn có cái tên rất độc đáo: Châu Kiệt Luân.

Ngoài lối kiến trúc cổ xưa, cảnh trí đẹp đẽ thì khu phố cổ Đạm Thủy còn nổi tiếng với nhiều món ăn ngon mang hương vị truyền thống của Đài Loan. Sẽ rất thiếu sót nếu bạn đến Đài Loan mà không ghé Đạm Thủy, mà đã đến Đạm Thủy thì phải khám phá những món ăn đặc trưng của khu phố này.

A Ge

Đến Đạm Thủy nhất định phải ăn A ge. Món này được đặt tên bằng tiếng Nhật, "a ge" (đọc tắt của "abura age") trong tiếng Nhật có nghĩa là "lớp vỏ đậu hũ chiên giòn". Người ta nhồi miến bên trong miếng đậu hũ, sau đó chiên lên. Vỏ đậu hũ hơi dày, được ăn chung với tương cá. Vì những sợi miến rất mềm nên bạn có cảm giác như nó hòa tan ngay trong miệng khi ăn. Phần tương có vị ngọt ngọt cay cay. Nếu ăn không quen, có thể bạn sẽ thấy hơi dầu mỡ.



Một phần a ge có giá khoảng 35 TWD (tương đương 25 nghìn) Ảnh: ipeen


Nước ô mai chua

Màu đỏ bắt mắt của ô mai, thêm vị thanh ngọt, hơi chua và mát lạnh của ly nước sẽ khiến bạn có cảm giác vô cùng sảng khoái dưới trời nóng giữa khu phố này. Mới nhìn, màu của nước dễ làm người khác nghĩ rằng món này rất ngọt hoặc có mùi rượu. Nhưng khi nếm thử, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên vì độ vừa miệng của nó. Hầu hết du khách đến Đạm Thủy đều cầm trên tay một ly ô mai chua vừa đi vừa uống thay vì trà sữa Đài Loan nổi tiếng.



Một ly nước ô mai chua có giá 30 TWD (tương đương 21 nghìn) - Ảnh pmlovestory


Trứng sắt

Loại lớn là trứng gà, loại nhỏ là trứng cút. Trứng được hầm thật lâu (khoảng 1 tuần) cho đến khi lên mùi và lòng trắng trứng chuyển sang màu sẫm, trở nên cứng cứng, vì thế món này được gọi là trứng sắt. Lớp lòng trắng hơi giòn, có cảm giác sật sật khi nhai nhưng lại không khô như tưởng tượng. Lòng đỏ trứng thì rất mềm nên khi ăn rất thú vị. Đây là món ăn nổi tiếng ở Đài Loan và được bày bán khắp nơi.



Thông thường người ta bán theo gói đã đóng sẵn, một gói trứng sắt có giá 100 TWD (khoảng 70 nghìn)

Tôm cuộn

Giống sủi cảo chiên nhưng bên trong là nhân tôm, được cuốn lại bằng một lớp vỏ bánh mỏng, chiên giòn và xiên trên một cây que nhỏ. Khi ăn, bạn quết một lớp nước tương hoặc tương ớt lên trên xiên tôm cuộn. Lớp vỏ giòn và phần nhân tôm thơm ngon bên trong sẽ khiến bạn mê mệt khi nếm thử món này.



Tôm cuộn trên phố cổ Đạm Thủy có giá khoảng 20 TWD/xiên (tương đương 14 nghìn/xiên)

Bánh thịt bí đao

Nếu đến Đạm Thủy mà chưa thưởng thức món bánh trứ danh này thì coi như bạn chưa đặt chân đến đây. Đây là một loại bánh khá nổi tiếng, thường được tặng trong lễ đính hôn ở Đài Loan. Bên trong nhân bánh có lòng đỏ trứng, thịt bằm, mang vị hơi mặn. Lớp vỏ được làm từ bột và cho nhiều đường mạch nha nên ở Quảng Châu người ta gọi bánh này là bánh thủy tinh. Hạt mè được rắc lên trên vỏ bánh nên rất thơm. Khi ăn, lớp vỏ vừa giòn vừa ngọt kết hợp với phần nhân mặn bên trong tạo nên mùi vị mang đậm nét truyền thống của người Đài Loan.


Ngoài ra, người ta còn gọi bánh thịt bí đao là bánh hỷ

Phần ăn Châu Kiệt Luân

Rất nhiều người thắc mắc khi vô tình nghe đến cái tên này, thậm chí đến Đài Bắc, họ nhất định phải tìm đến quán ăn duy nhất ở Đạm Thủy có bán phần ăn Châu Kiệt Luân để thỏa trí tò mò, và hầu hết đều cảm thấy rất hài lòng sau khi ăn.

Có thể nói Châu Kiệt Luân là niềm tự hào của nền âm nhạc Đài Loan. Lúc nhỏ, Châu Kiệt Luân thường xuyên đến Đạm Thủy ăn súp hoành thánh và đùi gà tại một tiệm nhỏ ở khu phố này, vì thế chủ quán đã dùng tên của anh để đặt cho phần ăn mà anh thường ăn. Ở đây còn lưu lại hình ảnh và chữ kí của Châu Tổng (tên thường gọi của Châu Kiệt Luân).


Một phần ăn Châu Kiệt Luân có giá khoảng 100 TWD (tương đương 70.000 đồng) 

Phần ăn này trông rất hấp dẫn với một tô súp hoành thánh và một đùi gà. Vỏ hoành thánh rất mỏng, nhân thịt bên trong lại rất ngon và ngọt. Từ hương thơm đến mùi vị đều rất tươi, thơm ngon và thanh đạm làm cho bạn muốn húp đến giọt súp cuối cùng. Bạn có thể gọi thêm một phần đá bào trái vải ở tiệm này để ăn kèm. Vải tươi được đông lạnh sẵn, vừa thơm mùi vải, vừa ngọt lại rất mát. Nước bên trong còn được cho một chút mật hoa quế và dứa nên hương vị rất phong phú, cắn một miếng sẽ có cảm giác quả vải tan thành những vụn nhỏ bên trong. Nếu có cơ hội đến đây, bạn hãy ghé quán và gọi một phần ăn Châu Kiệt Luân kèm đá bào trái vải để thưởng thức nhé.

10 món ăn đường phố Đài Loan

Những món ăn đường phố thường được bày bán trong các chợ đêm đang dần thu hút sự chú ý của đông đảo du khách bốn phương khi tới Đài Loan.
Trà sữa trân châu ở Đài Bắc
Chợ đêm Sĩ Lâm là ngôi chợ cổ, lớn và nổi tiếng nhất Đài Bắc từ năm 1910. Có nhiều món ăn giá rẻ như ốp lết hào, đậu phụ thối. Tương tự, chợ Công Quản cũng nhiều món ăn rẻ, đặc biệt là trà sữa trân châu của tiệm Chen San Ding. Những ly trà to, nhiều trân châu dai dai xuất xứ từ Đài Loan những năm 1980 trước khi lan rộng ra toàn thế giới.
"Trứng ếch" ở chợ đêm Đạm Thủy
Chợ Đạm Thủy vang danh với những món ăn vặt ngon miệng như cá chiên giòn bán theo gói, canh cá viên, "trứng ếch" - thực chất là trứng gà hoặc bồ câu được tẩm ướp, nấu lên cho đến khi chúng co rút lại và biến thành màu đen. Đường Công Minh chạy song song với sông Đạm Thủy có rất nhiều hàng quán.
Hải sản Cơ Long
Chợ đêm Cơ Long xuất hiện từ thời Nhật còn chiếm đảo Đài Loan và là một trong những điểm nhấn ẩm thực của vùng Tân Đài Bắc. Chợ bán nhiều các loại hải sản, mì, và trái cây chín mọng. Mỗi sạp đều quảng cáo sản phẩm bằng tiếng Anh và hoạt động suốt cả ngày. Một trong những món ăn nổi tiếng nhất là mì sợi dày và canh hải sản.
Canh cá viên ở Cửu Phần
Nếm thử món ăn vặt nổi tiếng đường Kim Sơn là một phần không thể thiếu khi đi chợ Cửu Phần. Món ăn này gồm có canh cá viên, khoai môn viên và nấm nướng. Du khách cũng nên thưởng trà tại Trà Phòng Cửu Phần - một địa danh đã có từ thời khai thác vàng cách đây trên 100 năm (quán trà mới chỉ mở từ năm 1991). Tại đây, bạn có thể vừa chuyện trò vừa thưởng thức chén trà thơm trong căn phòng lát gỗ hoặc ngoài hành lang lộng gió.
"Khỉ tôm" ở Lộc Cảng
Lộc Cảng, một trong những phố cảng lâu đời nhất Đài Loan, là nơi chuyên bán các món ăn vặt như trứng ốp lết hào và "khỉ tôm" - tôm đất chiên với rau húng quế. Bạn có thể thử món ăn này tại bất kỳ sạp hàng hoặc nhà hàng nào ở đền Thiên Hậu, sau đó tiếp tục ghé qua một cửa hàng bánh ngọt để mua món bánh quy lưỡi bò ngọt ngào về làm quà.
Bánh thái dương ở Đài Trung
Đài Trung là địa điểm lý tưởng để khám phá ẩm thực Đài Loan, nơi các khu chợ đêm sẽ giới thiệu đủ món ăn đặc sản địa phương. Ngoài các món ăn cao cấp, du khách hảo ngọt sẽ thích thú khi đến với đường Tự Do, Trung Chính, Dân Quyền luôn tấp nập các hàng bánh thái dương - loại bánh dẹp, giòn rụm kẹp mạch nha, mật hoặc sốt khoai môn.
Mì gánh rong Đài Nam
Thủ phủ cũ của Đài Loan là một trong những nơi có ẩm thực đường phố ngon nhất hòn đảo này. Món mì gánh rong (gồm có thịt heo, trứng, tôm) có lẽ là món ăn nổi tiếng nhất được sáng tạo ra năm 1895 bởi Hong Yu Tong - tên của món ăn cũng chính là cách để ông kỷ niệm đôi quang gánh đã cùng ông vất vả khắp nơi. Trong khi đó “Mùa chậm” - tên ông lựa chọn cho thương hiệu của mình lại gợi nhớ về những mùa nước chậm của dân chài, khi ấy mì của ông là cách để duy trì sức lực.
Biển thực ở Hoa Liên
Hoa Liên vang danh khắp Đài Loan với món muaji - loại bánh làm từ gạo nếp với nhân ngọt cùng với biển thực, một loại hoành thánh ăn với canh, nhân thịt và tôm. Chợ đêm ở đây là địa điểm lý tưởng để thưởng thức nhiều món ăn. Chợ Tự Cường tuy nhỏ nhưng hàng quán khá phong phú, trong khi đó chợ Nam Biên to hơn nhưng lại khó đi lại.
Canh huyết ở Đài Đông
Món canh với những miếng huyết lợn vuông vức là đặc sản Đài Đông được bày bán khá nhiều ở chợ đêm Tứ Duy. Ngoài ra, Đài Đông còn được biết đến vì là nơi tụ họp của rất nhiều loại trái cây, đặc biệt là mãng cầu xiêm, được bày bán ở dọc đường Chính Khí, nằm giữa hai con đường Trung Sơn và Bác Ái.
Thịt viên Tân Trúc
Tân Trúc sẽ mang đến trải nghiệm ẩm thực thú vị cho du khách với món mì thịt viên đặc biệt được bày bán trong chợ đêm Miếu Thành Hoàng. Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức món trứng ốp lết hào hoặc mì thịt viên cũng không kém phần hảo hạng.

8 món ăn kỳ lạ nhất Đông Nam Á



Thế giới ẩm thực Đông Nam Á rất đa dạng, phong phú và luôn chứa đựng những điều “độc nhất vô nhị”. Có những món ăn kỳ lạ mà thoạt nhìn thấy bạn đã không đụng đến rồi. Nhưng chỉ cần một chút can đảm để ăn thử, bạn sẽ thấy chúng không chỉ rất ngon mà còn bổ dưỡng nữa đấy! Hãy cùng chúng tôi khám phá ngay 8 món ăn độc đáo dưới đây:

1. Nhện tarantulas chiên giòn (Campuchia)

Nhện chiên là một món ăn phổ biến tại Campuchia, đặc biệt là ở thị trấn Skuon Skuon, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 1 tiếng đi xe. Những con nhện đen này khá to, cỡ khoảng ngón chân cái người lớn, thân màu đen tuyền và đầy lông, trông khá “ghê rợn”. Thế nhưng sau khi được chế biến chúng trở thành một món ăn béo ngọt vô cùng hấp dẫn. Hầu hết du khách đến đây đều thích ăn ngay tại chỗ món nhện đen chiên giòn. Cầm một chú nhện vừa được chiên giòn còn đang bốc khói, cho vào miệng nhai, vị beo béo, ngọt thơm của đầu và thân nhện hòa lẫn cùng vị béo ngậy của phần ruột cứ lan tỏa dần và càng thấm vào vị giác, tạo nên sức hấp dẫn tuyệt vời khó cưỡng lại.


Nguồn: tripelio.com

2. Châu chấu và sâu tơ (Thái Lan)

Có rất nhiều loại côn trùng chiên nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến là châu chấu, dế và sâu tơ. Đây là những món ăn khá phổ biến ở Thái Lan, thường được bày bán trên các xe đẩy khắp các đường phố. Chúng được chế biến rất đơn giản, đầu tiên là chiên giòn và ướp thêm một vài gia vị khác như nước tương, muối, ớt, sả… để kích thích vị giác cũng như nhìn bắt mắt hơn. Côn trùng chiên không chỉ là món ăn ngon mà còn là nguồn cung cấp protein và các chất dinh dưỡng dồi dào.

Nguồn: She Knows

3. Dế chiên (Myanmar)

Dế là món ăn đặc sản tuy lạ nhưng ngon khó cưỡng ở Myanmar. Loại côn trùng này rất giàu protein, vitamin và có giá trị dinh dưỡng cao. Từ tháng 10 đến tháng 1 là khoảng thời gian mà bạn có thể thưởng thức món dế chiên ngon nhất. Vì vậy du khách khắp nơi trên thế giới thường chọn đến Myanmar vào thời điểm này để thưởng thức cho bằng được những món ăn từ côn trùng độc đáo tại khu phố Tàu ở Yangon.


4. Súp trứng kiến trắng Gaeng Kai Mot Daeng (Lào)

Súp Gaeng Kai Mot Daeng của Lào được nấu từ trứng kiến cộng với kiến non. Đây là một trong những món súp lạ và ngon nhất thế giới. Thậm chí nhiều người còn không dám thử món súp này bởi sự lổn nhổn của những viên trứng kiến trong bát. Tuy nhiên mùi vị của nó được tả là khá ngon: sắc nét, tinh tế, và hơi giống vị tôm. Đây cũng được du khách đến Lào bình chọn là món ăn đáng thử nhất trên thế giới.

Trứng kiến trắng. Nguồn: imgur.com.

5. Hashima/hasma (Singapore)

Hashima là món tráng miệng khá được ưa chuộng ở đất nước Singapore và có nguyên liệu chính là ống dẫn trứng của ếch được phơi khô. Món này có thể được nấu chung với hạt sen và táo đỏ giống như nấu chè, được dùng như một món tráng miệng hay để ăn chơi. Tuy có nguyên liệu khá “kinh dị” nhưng đây là một món ăn rất tốt cho thận và phổi. Nhiều người còn ví món này chính là nước yến ngân nhĩ để thể hiện giá trị dinh dưỡng tuyệt vời của món ăn.


6. Ambuyat (Brunei)

Là món ăn được chế biến từ cây cọ Sago. Ở Brunei cây cọ Sago trồng khá nhiều, người dân dùng cây cọ Sago với nhiều mục đích khác nhau. Người dân Brunei dùng phần thân cây bào nhuyễn rồi đem đi đun trong nước trong nhiều giờ cho đến khi nó sánh lại, trong veo và có màu đục đục. Vị của Ambuyat rất nhạt nên thường được dùng kèm với nhiều loại sốt tùy thuộc vào sở thích của bạn nhưng ngon nhất là sốt bơ đậu phộng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người dùng Ambuyat để giảm cân vì Ambuyat chủ yếu là nước.

Ambuyat cùng các loại nước chấm và thức ăn kèm. Nguồn: ASEAN Tourism.

7. Mắt bò (Malaysia)

Ngoài nội tạng thì người Malaysia còn sử dụng cả mắt bò để làm nguyên liệu nấu ăn. Món mắt bò giống như mắt cá trong món cà ri đầu cá nhưng có kích thước lớn hơn nhiều. Nếu vào nhà hàng và gọi món súp đầu bò thì du khách sẽ thấy có cả mắt bò bên trong. Nhiều người khi đi du lịch Malaysia cũng rất hay chọn món súp đầu bò để ăn vì nó có hương vị tương đối lạ.

Nguồn: Miera Nadhirah

8. Sizzling sisig (Philippines)

Sizzling sisig là món đầu heo sau khi được chế biến rồi đem phục vụ trên một tấm sắt nung nóng. Sau khi được làm sạch, đầu heo được nướng sơ trên lửa để gia tăng hương vị, sau đó chiên với hành tây tươi, vì thế sizzling sisig thu hút vị giác bằng mùi thơm đặc trưng. Nhiều du khách đến Philippines đã gọi món này trong thực đơn để thử qua, và họ cũng chưa từng thất vọng khi thưởng thức món đặc sản này.

Những món ăn đặc sắc của Hàn Quốc



Trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, đồ ăn của họ mang đậm nét văn hóa cổ truyền từ xưa tới nay, với những món ăn như Kimchi, Bibimbap, những nồi lẩu nấm nghi ngút khói và đặc biệt là món sườn nướng Hàn Quốc thì dường như những món ăn này đã trở thành nét truyền thống văn hóa ẩm thực Hàn Quốc. Với những món ăn tiêu biểu dưới đây, ta có thể thấy được một số nét tiêu biểu:


1. Bimbimbap – Cơm trộn


Cơm trộn được chú ý trước hết bởi nghệ thuật pha trộn màu sắc. Thông thường một tô cơm bibimbap phải có ít nhất từ 6 đến 7 món trở lên: màu trắng của cơm, màu vàng của trứng, màu xanh của rau, màu nâu của thịt… Các loại rau thường là dưa chuột được thái nhỏ, cà rốt, rau bina, giá đã được thái chỉ, cũng có thể thêm một chút rau diếp, trứng thì được tráng qua hoặc rán chín cùng với thịt (thường là thịt bò) được ướp gia vị đã xắt nhỏ, tất cả những thức ăn này sẽ được trộn thật đều cùng với nước xốt làm từ ớt trước khi ăn. Sự pha trộn này đã tạo ra cái tên ‘cơm trộn’.

2. Gimbap – Cơm cuốn lá rong biển

Gimbap – Cơm cuốn lá rong biển

Tên gọi của món ăn rất đơn giản, cơm gói trong lá rong biển. Về hình dạng, Gimbap “có vẻ” giống món Sushi – cũng là món cơm cuốn trong lá rong biển, của Nhật. Nhưng để ý thêm thì sẽ thấy, Gimbap thường to hơn vì bên trong, “nhân” gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau.

Gimbap cũng được cắt khoanh tròn với độ dày mỏng hơn so với Sushi. Nếu như cùng chiều dài của một tấm rong biển, Sushi được cắt đều làm 6 khoanh, thì Gimbap có thể được cắt thành 12 khoanh hoặc hơn.

3. Hobakjuk

Hobakjuk là món cháo yến mạch với bí ngô nghiền, đậu đỏ

4. Naengmyeon – Mỳ lạnh

Naengmyeon – Mỳ lạnh Hàn Quốc

Mì lạnh thường được dùng trong bát lớn, có mùi nồng, vị thanh thanh ngọt mát như làm tan biến bầu không khí oi bức của mùa hè. Tuy nhiên, không phải là không dùng được mì lạnh vào mùa lạnh, bạn vẫn có thể thay nước dùng thịt bằng nước kim chi và để món mì ngon hơn bạn nên cân bằng giữa nước kim chi với nước dùng.

5. Samgyetang – Gà tần sâm

Samgyetang – Gà tần sâm

Hằng năm, trong lịch của người Hàn có ba ngày nóng nhất trong mùa hè, được gọi là Chobok, Jungbok, Malbok. Trong những ngày này, món ăn có thể khiến cho người dân xếp hàng dài trước cửa hàng mặc cho trời nóng như đổ lửa chính là món giải nhiệt, thanh mát cơ thể – gà tần sâm (samgyetang).

Gà non làm sạch, được nhồi sâm cùng gạo nếp, hoàng kỳ, táo tàu rồi khâu lại bằng chỉ, cho vào nồi đá hầm trong nhiều giờ. Gà hầm sâm truyền thống trở thành món ăn bổ dưỡng, tiếp thêm sinh lực vào mùa hè ở xứ sở kim chi. Ở những nhà hàng samgyetang địa phương nổi tiếng, tô gà tần sâm còn được dọn kèm với rượu sâm để thực khách nhâm nhi giải khát.

6. Soondubu jjigae – Đậu phụ hầm cay

Soondubu Jjigae

Sindubu-jjigae là món đậu phụ hầm với sò trong nước dùng cay. Đậu phụ mềm được làm bằng đậu nành ngâm nước, được mệnh danh là “thịt bò trong vườn rau”. Nó rất mềm và có vị đặc trưng.

7. Japchae – Miến trộn Hàn Quốc

Japchae – Miến trộn Hàn Quốc

Nguyên liệu chính để làm món ăn này là miến và các loại rau theo mùa (thường là cà rốt thái lát mỏng, hành tây, rau bina, và nấm) và thịt (thường là thịt bò). Người Hàn dùng dầu mè (dầu vừng) để xào. Gia vị chính là xì dầu và ớt cùng hạt vừng. Japchae có thể ăn nóng hoặc nguội.

8. Galbi – sườn nướng

Galbi – Sườn nướng Hàn Quốc

Galbi là tên gọi chung của các món sườn nướng trong ẩm thực của người Hàn Quốc. Galbi thường là thịt sườn bò hoặc lợn hoặc gà tẩm xì dầu (kanch’ang) rồi nướng. Khi dùng sườn bò, nó còn được gọi là “sokalbi” hoặc “soekalbi”. Còn nếu dùng sườn lợn hoặc sườn gà thì được gọi là “twaechi galbi” hoặc “t’ak galbi”. Tuy nhiên, vì sườn bò hay được dùng hơn cả, nên nhiều khi chỉ Galbi không thôi cũng hàm ý món sườn bò nướng.

9. Bulgogi – thịt bò nướng

Bulgogi được ướp với nước tương (xì dầu) và đường

Bulgogi được ướp với nước tương (xì dầu) và đường, chính yếu tố đó làm cho món ăn mềm và thơm – một hương vị mà ai cũng có thể cảm nhận được. Không chỉ phần lớn các du khách, mà còn đại đa số người dân Hàn Quốc ưa thích món Bulgogi. Nó có vị ngọt và có nhiều nước và chỉ cần một thời gian ngắn cũng có thể chế biến được món ăn ngon này. Đó là lý do tại sao món Bulgogi được coi là món ăn số một trong các món ăn Hàn Quốc.

Khi ăn Bulgogi, người thường gói nó vào rau diếp, lá vừng hay các lá khác và cách ăn này mang lại vị giác chân thực hơn và nhiều dinh dưỡng hơn là chỉ ăn Bulgogi không. Vì những lý do này, món Bulgogi mang đầy đủ chất dinh dưỡng và rất ngon miệng.10. Seafood pajeon – Hành trộn hải sản tẩm bột rán

Sau khi trộn bột mỳ hoặc bột gạo với nước, rắc hành lá hoặc hẹ lên, thêm sò, hến, tôm, ..v..v rồi rán. Seafood pajeon thích hợp làm món nhậu.

10. Bánh hải sản Hàn Quốc

Bánh hải sản Hàn Quốc

Món ăn yêu thích của cả người lớn và trẻ em, Người Hàn Quốc tự hào rằng đây chính là món Pizza phiên bản Hàn Quốc

11. Kim chi Hàn Quốc

Mặc dù có hàng trăm loại kim chi khác nhau

Mặc dù có hàng trăm loại kim chi khác nhau, hầu hết các loại kim chi đều có mùi thơm nồng và cay hấp dẫn. Baechu Gimchi Là món kim chi tiêu biểu trong số các loại kimchi. Sau khi ướp muối, rửa sạch, trộn hành, tỏi, ớt, gừng, tẩm ướp gia vị rồi đem muối. Đây được coi là loại thực phẩm lên men tốt nhất.

12. Hobak ttseok – Bánh bí đỏ

Hobak Ttseok là tên gọi chung cho loại bánh được làm từ bột ngũ cốc hấp hoặc luộc

Hobak Ttseok là tên gọi chung cho loại bánh được làm từ bột ngũ cốc hấp hoặc luộc. Bánh bí đỏ làm chủ yếu bằng bí đỏ và được coi là món ăn tốt cho sức khỏe.

6 món ngon độc đáo ở Myanmar



Du lịch Myanmar mấy năm trở lại đây đã thu hút khá nhiều du khách, bởi sự mở cửa ngày càng sâu rộng của đất nước. Một đất nước thân thiện nhưng còn nhiều bí ẩn, chắc chắn là điểm du lịch không thể thiếu với du khách Việt trong thời gian tới. Trên toidi đã có 1 số bài viết về Myanmar, và bài viết dưới đây sẽ hé lộ 1 số món ăn ngon độc đáo của đất nước Myanmar. Ẩm thực Myanmar nói chung chịu ảnh hưởng lớn của ẩm thực Trung Quốc, một chút của ẩm thực Ấn Độ, nhưng xen lẫn trong đó là những đặc điểm ẩm thực của người Shan – dân tộc chiếm số lượng lớn ở Myanmar.

Bài viết này sẽ giới thiệu với các bạn những món ăn đặc trưng, được nhiều khách du lịch trên thế giới yêu thích. Một phần các món đã được kiểm nghiệm bởi người viết nhưng một vài món thì mình cũng chưa có cơ hội nên các bạn có thể chính là người sẽ đưa ra nhận xét, gợi ý cho danh sách này.


Salad Myanmar

Ẩm thực Myanmar

1. Salad

Trước khi đi Myanmar, thông tin mình tìm hiểu được nhiều nhất, trên khắp các diễn đàn du lịch là món Salad lá trà. Thành ra, khi đến Myanmar mình thấy rất tò mò về món ăn này. Nói đến salad chắc ai cũng tưởng tượng món ăn này sẽ làm từ các loại rau, có màu xanh đặc trưng nhưng món này lại khá kỳ lạ. Nó có màu nâu của lá trà và màu vàng của lạc rang, nhưng là lạc được tẩm một lớp bột và chiên vàng, ăn khá thú vị. Món ăn này có vị chua và chát, trộn thêm cùng một ít bắp cải thái sợi nhỏ và tỏi thái miếng. Đây được coi là món khai vị trong bữa cơm của người Myanmar.

Một món salad nữa, nhưng không nổi tiếng bằng Salad lá trà, khách đi tới khu vực hồ Inle thì mới biết đến món ăn này, đó là Salad cà chua xanh. Lý do món ăn này trở nên phổ biến là do cà chua xanh được trồng nhiều trên khu vực hồ Inle và người dân ở đây đã biến loại quả này thành một món ăn hấp dẫn có thể dùng hàng ngày. Món ăn này có màu sắc hấp dẫn hơn so với salad lá trà và cũng khá hợp khẩu vị đối với những người mê rau củ quả.

Có vẻ lạc là một nguyên liệu được yêu thích ở xứ sở này vì ngay trong món ăn này cũng có lạc giã nhỏ.

Cơm Shan Myanmar

2. Cơm Shan

Món ăn đặc trưng của dân tộc Shan – dân tộc chính ở Myanmar được đặc luôn tên như vậy – Cơm Shan. Đây giống như một kiểu cơm trộn, cơm được nấu với nước nghệ và ăn kèm với cá nước ngọt – luôn được tẩm ướp với tỏi và ớt. Món ăn này không dành cho người không ăn được cay vì lần nào mình ăn món này cũng thấy cay ghê gớm luôn. Ngoài cơm với cá, còn có một vài hạt lạc rang muối, hoặc quả trứng luộc, ít rau củ theo mùa…

Món ăn này ở một số tiệm ăn luôn được phục vụ kèm với một loại bánh tráng chiên phồng giống như cơm của người theo đạo Hồi.

Cà ri Myanmar

3. Cà ri Myanmar

Một trong những món ăn chính thu hút ở Myanmar là cà ri. Cà ri ở đây có nhiều sự lựa chọn về nguyên liệu chính như: gà, bò, lợn, cừu hay hải sản… Ở một vài quán cà ri được nấu cùng với hành tây, mình thấy ăn khá hợp và hấp dẫn. Trong các bữa cơm của người Myanmar thì cơm cà ri sẽ được ăn kèm với salad, rau củ quả hoặc đậu phụ.


4. Các loại mì

Cũng giống như ẩm thực của các quốc gia Đông Nam Á, một phần rất hấp dẫn của ẩm thực Myanmar là các món ăn dạng sợi, có sử dụng nước sốt, nước dùng hay nước lèo. Giống như Việt Nam có món Phở, Singapore có Wanton Mee, Malaysia có món Laska… thì Myanmar cũng có rất nhiều món mì đáng để thử.

Món mì đặc trưng của người Shan là Mỳ Shan đậu phụ. Đậu phụ kiểu này được làm từ đậu lăng vàng và đậu xanh thay vì đậu tương như của chúng ta. Những lát đậu phụ cùng với mỳ màu vàng, được chan thứ nước dùng vừa có vị béo vừa có vị thanh. Món ăn này có thể tìm thấy ở tất cả các ngõ phố, chợ ở Myanmar từ sáng cho đến chiều tối.

Một món mỳ trộn khác ở Myanmar cũng nổi tiếng không kém và được mệnh danh là Spaghetti Myanmar là Mỳ Nan Gyi Thoke. Sợi mỳ được làm từ gạo, thành phẩm khá giống bánh phở của chúng ta. Khi chế biến được trộn với cà ri gà hoặc nước dùng từ xương và rau củ.

Bún cá Mohinga cũng là một món ăn đặc sắc với các nguyên liệu là bột đậu, gạo rang xay, cá da trơn nấu thành nước dùng và rất nhiều loại gia vị như tỏi, hành, gừng, sả, nước mắm… Món ăn có vị khá giống với món Laska ở Malaysia.

5. Các đồ ăn vặt

Khi mình đi các chợ ở Yangon hay Bagan, mình đều thấy ở đây có rất nhiều các quầy hàng bán đồ ăn vặt. Ngoài ra, ở các khu vực đông đúc dân cư cũng có rất nhiều các cửa hàng bán các món đồ ăn này. Vừa xuống bến xe, trong khi chờ đổi xe đi Bagan, hội mình ngồi trong 1 quán bán đồ ăn vặt là các loại bánh được chiên rán ngập trong dầu mỡ. Mình không thể hỏi tên tất cả các loại được vì có quá nhiều loại, nhiều kích thước và hình dáng khác nhau.


Trên hình là một loại bánh ăn cũng khá ngon, có vẻ được làm từ váng đậu thay vì làm bằng bột vì nó tách thành các lớp rõ ràng. Nhưng đa phần các loại bánh được làm từ bột gạo tẻ hoặc gạo nếp, có khi là trộn của cả 2 loại này. Các loại bánh này được ăn kèm với một loại nước sốt chua ngọt.

Ngoài các loại bánh được chiên rán thì còn có một loại bánh ngọt khác được gọi là Moun.

Những loại bánh ngọt này không có vị ngọt từ đường mà ngọt nhờ các nguyên liệu tự nhiên như: dừa sợi, nước cốt dừa, bột gạo, hoa quả…


6. Các loại đồ uống

Ở Myanmar các bạn có thể thấy quán trà có ở khắp nơi. Món trà đặc trưng mà khách du lịch nào đến vùng đất này cũng phải thử được gọi là Tea Mix, là trà được pha với sữa đặc, nhưng trà có thoang thoảng vị đậu đen, khá lạ và hấp dẫn.


Các quán trà cũng là nơi người dân Myanmar gặp gỡ nhau, nói những câu chuyện đơn giản hàng ngày. Trà thường được bán kèm với các loại đồ ăn vặt đã kể ở trên. Những quán trà chủ là người Hoa thì thường bán kèm bánh bao, nhưng là bánh bao nhân ngọt từ đậu đỏ, đậu xanh.

Ngoài ra với những khách du lịch đi chơi suốt cả ngày thì một món đồ uống giải khát như nước chanh – Lime juice quả là một món có ích. Chanh ở đây là loại chanh vàng, thường gọi là Lime thay vì chanh xanh, gọi là Lemon như ở chúng ta nên rất thơm ngon. Trong bất kỳ quán nào ở Myanmar đều phục vụ món này từ các tiệm nước ở chợ, quán ăn, nhà hàng đến các quán đồ ăn nhanh trong các trung tâm thương mại.